Deepfake có thực sự đáng sợ ?

Là sản phẩm của trí tuệ nhân tạo, Deepfake được tạo ra để phục vụ nhu cầu giải trí đơn thuần và một vài vai trò tích cực khác cho các ngành công nghiệp. Tuy nhiên, công nghệ này đã và đang bị những kẻ xấu lợi dụng để thực hiện các hành vi lừa đảo đáng báo động. Vậy, Deepfake là gì ?


Công nghệ Deepfake - Từ công cụ giải trí đến phần mềm lừa đảo tinh vi


Trí tuệ nhân tạo phát triển với tốc độ chóng mặt, hàng loạt các ứng dụng nổi lên và nhanh chóng trở thành trào lưu. Trong đó phải kể đến Deepfake - công nghệ được sử dụng để tạo ra các meme nổi tiếng hài hước trên Internet. 

Hiện nay công nghệ Deepfake đang phát triển nhanh chóng và trở nên ngày càng tinh vi. Deepfake đã và đang bị kẻ xấu lợi dụng để tạo ra những nội dung giả mạo, nhằm mục đích lừa đảo. Tuy nhiên chính phủ các nước đang lo ngại sẽ có nhiều video giả mạo được tung ra với mục đích nguy hiểm hơn, đó chính là dẫn dắt dư luận, gây bất ổn chính trị hoặc ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh doanh của một công ty nào đó. Các nhà nghiên cứu tại Đại học New York gọi Deepfake là “mối đe dọa ở đường chân trời”, “có khả năng làm xói mòn niềm tin của công chúng với các tổ chức dân chủ”. Dù vậy, nếu bỏ qua mặt tối thì Deepfake là một trong những công nghệ cực kỳ hữu dụng và có tiềm năng phát triển theo chiều hướng tích cực trong tương lai.

Vậy, Deepfake là gì ?


Công nghệ Deepfake - Giả thành thật trong “tích tắc”

Deepfake là công nghệ cho phép người dùng có thể chỉnh sửa khuôn mặt, khẩu hình của nhân vật trong video hoặc một bức hình nào đó bằng AI và dùng một vài thuật toán mã nguồn mở để xử lý.

Thuật ngữ Deepfake là cụm từ được kết hợp từ “deep learning” và “fake”, là phương thức tạo ra các sản phẩm công nghệ giả (fake) dưới dạng âm thanh, hình ảnh hoặc thậm chí là cả video, bởi trí tuệ nhân tạo (AI) tinh vi. Deepfake sẽ quét video và ảnh chân dung của một người nhờ AI và thay thế các chi tiết trên gương mặt như mắt, mũi, miệng với chuyển động gương mặt và giọng nói như thật. Càng có nhiều hình ảnh gốc thì AI càng có nhiều dữ liệu để học. Deepfake có thể gán khuôn mặt của người này sang người khác trong video với tốc độ chân thực đến kinh ngạc. Hiện nay, Deepfake đang trở thành nỗi ám ảnh khi trở thành “bóng ma” trong thế giới Internet được dùng để lừa đảo, thao túng thị trường. 


Sự nguy hiểm của Deepfake đến từ đâu?

Machine learning và Deep learning là cốt lõi của Deepfake. Cả hai công nghệ này đều cho phép tạo ra Deepfake với tốc độ nhanh và chi phí thấp. Bước đầu để tạo ra video Deepfake là đào tạo mạng lưới nơ-ron về cảnh quay video thực của người. Trải nghiệm sử dụng trong một thời gian nhất định cung cấp hiểu biết thực sự về cách người trong video xuất hiện từ nhiều góc độ khác nhau. Sau đó, mạng nơ-ron được đào tạo sẽ kết hợp với đồ họa do máy tính tạo ra. Bản sao của người trong video gốc được chồng lên người khác. 

Deepfake do AI tạo ra nhanh hơn và dễ dàng hơn nhiều, tất cả là nhờ vào trí tuệ nhân tạo. Khi tạo Deepfake, bộ tạo âm thanh Deepfake được sử dụng để ghi lại giọng nói rõ ràng. Bộ tạo âm thanh Deepfake tạo ra giọng nói giống hệt và tương đương với giọng nói của người nói gốc. 


Cách thức hoạt động của Deepfake

Cách thức hoạt động của Deepfake liên quan đến quá trình “học” của trí tuệ nhân tạo. Từ đó, khuôn mặt của một số đối tượng nhất định (tạm gọi là đối tượng A) với chất lượng cao được thay thế hoàn toàn bằng khuôn mặt của một người khác (đối tượng B). 

Ảnh nén của A được đưa vào bộ giải mã của B. Bộ giải mã sau đó tái tạo lại khuôn mặt của người B với biểu cảm và hướng khuôn mặt của người A. Quá trình này được thực hiện liên tục, chi tiết đến khi cho ra sản phẩm “thật” nhất. Đối với các tập tin âm thanh, Deepfake sử dụng bản ghi âm giọng nói của một người thực để huấn luyện máy tính nói chuyện giống hệt người ấy. 


Nguồn ảnh: Báo Tuổi trẻ

Deepfake được tạo ra với mục đích ban đầu là công cụ giải trí thú vị, đơn thuần trên internet khi giúp người dùng dễ dàng hoán đổi khuôn mặt mình với các nhân vật nổi tiếng và dành cho những người mua sắm trực tuyến thử quần áo trong những phòng thử đồ ảo. Bên cạnh đó, nếu nhìn theo hướng tích cực thì công nghệ này có thể có ích. 

Trong một số trường hợp với mục đích phục vụ công việc, như trên một chương trình truyền hình có một MC do bệnh mà mất giọng tạm thời, người ta có thể dùng Deepfake để tạm thời thay thế MC ấy. Hoặc trong một bộ phim thực hiện sắp xong nhưng chẳng may một diễn viên bị bệnh hoặc qua đời, Deepfake sẽ là giải pháp tuyệt vời để tạo hình diễn viên và thực hiện phần còn lại của bộ phim. Ngoài ra, đối với các video mang tính giáo dục, Deepfake có thể dùng để tạo hình và tiếng cho một số nhân vật lịch sử hay mô phỏng tiếng kêu của các loài động vật để minh họa được sinh động hơn. Ngoài ra, Deepfake còn cung cấp rất nhiều lợi thế trong các lĩnh vực và ngành công nghiệp khác nhau như: Khoa học Pháp y, chăm sóc sức khỏe, giao tiếp kỹ thuật số, thương mại điện tử, khoa học vật liệu, khoa học máy tính, truyền thông xã hội,....Tuy nhiên, hiện nay Deepfake lại đang bị các thành phần xấu lợi dụng để sử dụng cho các mục đích xấu khá nhiều. 


Hành vi lừa đảo tinh vi nhờ Deepfake 

Deepfake là công nghệ được biết đến nhiều nhất với tác dụng tái tạo lại khuôn mặt của người trong video nhờ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Ban đầu, công nghệ này được sinh ra cho mục đích giải trí, giúp người dùng lồng khuôn mặt, giọng nói của mình vào các nhân vật yêu thích trên video mà vẫn đảm bảo hoạt động giống như được quay thực tế. Tuy nhiên, giới tội phạm nhanh chóng lợi dụng ưu điểm đó để tạo ra công cụ giả mạo người khác, giúp chúng thực hiện các vụ lừa đảo, hoặc lan truyền tin thất thiệt trên mạng. Nắm bắt được tâm lý người dùng mạng xã hội, các đối tượng lừa đảo đã sử dụng chiêu lừa đảo tinh vi hơn từ việc sử dụng video cũ của người dùng để cắt ghép hoặc dùng Deepfake để thực hiện hành vi lừa đảo. 

Trên thế giới đã có nhiều trường hợp lừa đảo liên quan đến Deepfake được ghi nhận. Mới đây nhất, sự kiện những bức hình cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị cảnh sát đưa đi được phát tán trên mạng làm xôn xao dư luận, nhưng thực chất lại do AI tạo ra. Một số người thậm chí còn lợi dụng công nghệ Deepfake để bắt đầu tạo ra những đoạn video quay cảnh ông Trump bị bắt. 

Nguồn ảnh: Internet


Một trong những tác hại khác được gây ra từ Deepfake có thể kể đến chính là việc phủ nhận các video hoặc hình ảnh có thật. Những trò Deepfake giả mạo ngày càng phổ biến và trở nên vô cùng thực tế. Thậm chí, có thể thực tế đến mức mọi người sẽ bắt đầu đặt câu hỏi “Liệu video này là thật hay giả ?”.

Hay việc Deepfake tấn công phi kỹ thuật (chỉ việc thao tác tâm lý con người để dụ dỗ họ tiết lộ các thông tin bí mật) đã và đang là một vấn đề nghiêm trọng trong bảo mật thông tin. Tấn công phi kỹ thuật thường yêu cầu liên hệ theo cá nhân, có thể là qua điện thoại, sử dụng cuộc gọi video,....Giả sử, ai đó sử dụng Deepfake để bắt chước hình ảnh/giọng nói của một vị giám đốc, yêu cầu được quyền truy cập vào mã bảo mật hoặc các công tin bảo mật của công ty. Hành động này rất dễ dẫn đến các vụ lừa đảo khác với mức độ nghiêm trọng. 


Cách phát hiện và ngăn chặn video Deepfake

Việc các video, hình ảnh Deepfake đang ngày càng trở nên tinh xảo và hoàn thiện hơn đã khiến cho khả năng nhận diện ra chúng trở nên rất thấp. Trong những ngày đầu tiên khi công nghệ này mới phát triển thì nó vẫn tồn tại một số điểm yếu như: hình ảnh mờ, video bị lỗi giọng nói và hiệu ứng,...nhưng hiện giờ Deepfake không còn đơn giản như vậy. 

Mặc dù không có một cách cụ thể nào để phát hiện chính xác được Deepfake nhưng nếu để ý kỹ, Deepfake có thể được xác định bằng một số dấu hiệu nhất định: 

  • Thứ nhất là phần âm thanh: Các video Deepfake thường có âm thanh bị méo hoặc không đồng bộ. Giọng nói tổng hợp và chuyển động môi trường tự nhiên của video thường không khớp. 
  • Thứ hai là chất lượng video: Công nghệ Deepfake đã được cải thiện trong những năm gần đây, nhưng nó vẫn có thể gặp khó khăn trong việc tái tạo những thay đổi tinh tế về ánh sáng và bóng tối trong các bản ghi ở thế giới thực.  
  • Thứ ba là khuôn mặt của nhân vật trong video: Deepfake sử dụng thuật toán để ánh xạ hình ảnh lên video, vì vậy chúng không thể sao chép hoàn hảo các đặc điểm độc đáo nhưng nếp nhăn, tàn nhang và nốt ruồi. 

Ngoài ra, các chi tiết nhỏ trong video chẳng hạn như chuyển động của tóc, cử động mắt, cấu trúc phần má và biểu cảm gương mặt khi nói. Tất cả đều chưa đạt được độ hoàn thiện và tự nhiên nhất định, đặc biệt là cử động của mắt. Dẫu cho Deepfake đã có công cụ điều chỉnh tác vụ này từ lúc mới ra mắt nhưng hiện đây vẫn là một lỗ hổng lớn trên công nghệ này. Bên cạnh đó, về mặt cảm xúc của nhân vật cũng là một điểm yếu lớn trên video Deepfake. Công nghệ này chỉ có thể mô phỏng các biểu cảm như tức giận, vui vẻ, hạnh phúc,... ở mức trung bình và vẫn còn sự “cứng đơ” của một cỗ máy. Các chuyên gia nói rằng để đạt tới độ chân thực giống như người bình thường, Deepfake còn rất lâu nữa mới làm được. 


Bên cạnh đó, hiện nay các mạng xã hội phổ biến toàn cầu như Facebook, Twitter, TikTok đều áp dụng công cụ riêng để phát hiện video Deepfake, đồng thời cấm đăng tải nội dung do công nghệ này tạo ra lên nền tảng của họ. Tuy vậy, việc phát hiện chỉ ở mức tương đối và kẻ gian vẫn không ngừng tìm cách để lách qua bộ lọc của mạng xã hội. 


Kết luận

Việc nhận diện và ngăn chặn Deepfake vốn dĩ là một bài toán không hề dễ dàng, trong khi công nghệ ngày càng phát triển và các hành vi lừa đảo ngày càng tinh vi. Chính vì thế, mỗi chúng ta cần đề cao cảnh giác và xác thực thông tin kỹ càng tránh bị lừa đảo bởi "chiêu trò" giả mạo từ Deepfake.


Đừng quên truy cập Fanpage Sunshine Software để không bỏ lỡ các thông tin công nghệ bổ ích khác. Ngoài ra, nếu bạn có nhu cầu tìm kiếm giải pháp cho các phần mềm, ứng dụng công nghệ, nhanh tay liên hệ Sunshine Software để chúng mình hỗ trợ tư vấn miễn phí nhé.